X

Anh hùng Lê Đình Chinh – người lính hy sinh ở biên giới phía Bắc

Anh hùng Lê Đình Chinh là chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1978-1979 Lạng Sơn trong khi thi hành nhiệm vụ ngăn cản quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam.

Tiểu sử anh hùng Lê Đình Chinh

Anh hùng Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh nhập ngũ ngày 16/2/1975 khi đó anh 15 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng).

Từ giữa năm 1978, tình hình cứ nóng dần, bắt đầu âm ỉ tin thất thiệt, sau là người Hoa rùng rùng từng đoàn lỉnh kỉnh rồng rắn kéo nhau lên biên giới. Ở Lạng Sơn, trẻ già lớn bé nằm la liệt từ Đồng Đăng lên cửa khẩu Hữu Nghị. 

Khi đã đông nghẹt người chờ ở cửa khẩu làm thủ tục hồi hương phía Trung Quốc bất ngờ đóng cửa biên giới, khiến cho hơn 4.000 người Việt gốc Hoa bị kích động rời Việt Nam về Trung Quốc bị ứ đọng ở cửa khẩu Hữu Nghị.

Anh hùng Lê Đình Chinh

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) phải căng mình ra động viên, hướng dẫn bà con ổn định tư tưởng. Nhưng có những kẻ cố ý len lỏi vào kích động bà con gây rối với bộ đội biên phòng, làm tình hình càng thêm căng thẳng.

Họ dựng lều bạt trú tạm cả ở trong các khu vực cấm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trước tình trạng này, tỉnh Cao Lạng lập kế hoạch giải tỏa toàn bộ số người này khỏi cửa khẩu. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang phối hợp với các lực lượng khác ở địa phương vạch kế hoạch thực hiện.

Ngày 25-8-1978, đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng, với nòng cốt là Hội Phụ nữ tỉnh đến Pù Tèo Hào, ở khu vực giáp biên, động viên bà con người Việt gốc Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Để bảo đảm an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, Bộ đội biên phòng huy động khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Hữu Nghị và Đại đội 6, Trung đoàn 12 tăng cường đến tại Km số 0. Đoàn đang thăm hỏi, động viên đồng bào thì bọn côn đồ với sự chi viện của lực lượng chức năng từ bên kia biên giới tràn sang, xông vào hành hung cán bộ ta.

Lê Đình Chinh, lúc đó mới 19 tuổi, từng tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam, mới được điều về tỉnh Cao Lạng làm nhiệm vụ, đã cùng đồng đội ngăn cản bọn côn đồ, bảo vệ đồng bào cùng cán bộ đoàn công tác. Một mình đồng chí chống trả nhiều tên côn đồ, cứu thoát một cán bộ phụ nữ đang bị bọn chúng hành hung.

Anh hùng Lê Đình Chinh – người lính hy sinh ở biên giới Việt Trung

“Lúc đó, chiến sỹ Tuyến bị Công an Trung Quốc vây đánh đã kêu to: “Anh Chinh ơi, cứu em với!”. Nghe tiếng kêu cứu, Chinh liền xông vào, quật ngã một số tên, giải vây cho Tuyến. Ngay sau đó, anh bị một tên ném đá vào giữa mặt. Mặc cho máu chảy đầm đìa, anh vẫn xông lên “tả xung hữu đột” cứu mọi người. Do vết thương quá nặng đồng chí Lê Đình Chinh dũng cảm hy sinh, lúc 10 giờ, ngày 25-8-1978, trên đồi Cốc Nhung”.

Trước tinh thần đấu tranh anh dũng quên mình của Lê Đình Chinh và đồng đội, bọn côn đồ phải xô nhau tháo chạy. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng công binh dùng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, rào chặt biên giới.

Để ghi công sự hy sinh anh dũng và chiến công bất diệt của anh, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy phong đồng chí Lê Đình Chinh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Huệ: